Từ 5 giờ sáng, những chuyến xe chở đầy niềm vui, niềm háo hức khởi hành hướng tới thủ đô Hà Nội. Điểm đến đầu tiên là Lăng Bác, tại đây đoàn đã dâng hoa viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan khu nhà sàn của Bác.
Khoảnh khắc được vào tận nơi Bác Hồ yên nghỉ thật sự là những giây phút thiêng liêng và đầy ý nghĩa đối với thầy và trường Tiểu học Vĩnh Phong – Tiền Phong. Các em học sinh lặng lẽ và thành kính đi chầm chậm qua nơi Người an nghỉ. Bác nằm đó như đang ngủ, một giấc ngủ bình yên, thanh thản và nhân từ biết bao.
Sau khi vào lăng viếng Bác, các em được đi tham quan ngôi nhà sàn đơn sơ - nơi Bác từng sống, ngắm nhìn ao cá, vườn cây Người từng tự tay chăm sóc… Chuyến đi thực tế này đã giúp các em có cơ hội tìm hiểu kĩ hơn, sâu sắc hơn về sự giản dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trước đây các em mới chỉ được tìm hiểu qua sách vở, tranh ảnh; tự mình trải nghiệm, cảm nhận tình cảm của nhân dân Việt Nam dành cho Bác.
Sau đây, xin kính mời Quý phụ huynh, các thầy cô giáo cùng các em học sinh theo dõi một số hình ảnh ghi lại buổi tham quan
Có thể nói, buổi tham quan lăng Bác hôm ấy đã đem lại cho các em học sinh một trải nghiệm quý báu. Đây là cơ hội các em hiểu hơn về vị cha già kính yêu đã hy sinh cả cuộc đời cho non sông đất nước, đem lại tự do, độc lập cho dân tộc. Thật tự hào Việt Nam có Bác! Khi xa nơi này ai cũng lưu luyến hoài và nhớ mãi. Học trường Tiểu học Vĩnh Phong – Tiền Phong xin hứa với Người sẽ cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt để góp phần đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu.
Sau khi rời Lăng Bác, cả đoàn tiếp tục cuộc hành trình đến tham quan điểm thứ hai đó là Văn Miếu Quốc Tử Giám - Quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội, nằm ở phía Nam kinh thành Thăng Long. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt. Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám và kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Mỗi lớp không gian đó được giới hạn bởi các tường gạch có 3 cửa để thông với nhau (gồm cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên). Từ ngoài vào trong có các cổng lần lượt là: cổng Văn Miếu, Đại Trung, Đại Thành và cổng Thái Học. Với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Ngày nay, Văn Miếu-Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước đồng thời cũng là nơi khen tặng cho học sinh xuất sắc và còn là nơi tổ chức hội thơ hàng năm vào ngày rằm tháng giêng. Thi trạng nguyên nhỏ tuổi...
Tại đây các thày cô giáo, em học sinh được tham gia vào nghi lễ dâng hương vô cùng trang nghiêm và thành kính. Đứng trước các bậc tiền bối hiền triết, thầy và trò trường Tiểu học Vĩnh Phong – Tiền Phong đã thể hiện lòng quyết tâm phấn đấu hơn nữa để đạt nhiều thành tích cao trong công tác dạy và học.
Sau đó, các em học sinh hào hứng, say sưa khi được nghe các câu chuyện lịch sử về ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam đồng thời các em cũng được tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về lịch sử, địa lí, kiến trúc, điêu khắc, mĩ thuật, giúp củng cố và mở rộng hơn vốn kiến thức mà các em chỉ được tìm hiểu qua sách vở, qua đó tăng cường lòng yêu thích khám phá và bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc.
Chiều cùng ngày 16/5, học sinh trường Tiểu học Vĩnh Phong – Tiền Phong đã sang điểm dừng chân thứ ba của cuộc hành trình với nhiều hoạt động vui chơi trải nghiệm thú vị tại Làng gốm Bát Tràng.
Làng gốm Bát Tràng – một làng nghề truyền thống nằm ở tả ngạn sông Hồng thuộc huyện Gia Lâm, đây là một làng gốm lâu đời và nổi tiếng ở nước ta. Ngôi làng gây ấn tượng với các bạn ấy bởi những con ngõ rất nhỏ, những bức tường gạch phủ đầy rêu phong, những chiếc cổng được trang trí bởi những sản phẩm gốm đẹp lạ mắt và cả những ngôi nhà cổ đã tồn tại hàng trăm năm. Khi đến đây rồi, các bạn nhỏ không chỉ dạo chơi các con ngõ cổ, mà còn được hóa trang thành những người thợ làm gốm, tự tay mình tạo nên những sản phẩm gốm mang phong cách cá nhân đặc trưng.
Trước khi bắt tay vào công việc làm gốm, các bạn nhỏ được những nghệ nhân tại xưởng gốm hướng dẫn cách thức cũng như các công đoạn để làm ra một sản phẩm hoàn thiện. Thật thú vị làm sao khi chỉ với một bàn xoay, một chút nước và một ít đất sét vậy mà các nghệ nhân lại tạo ra được thật nhiều thứ: cái bát, bình hoa, chiếc cốc,… với những hình dáng xinh đẹp khác nhau.
Điểu thú vị nhất là các bé được tự tay vẽ lên các sản phẩm gốm tự chọn, tự tay vẽ theo ý thích và sáng tạo của mình. Phút chốc mỗi bé đều trở thành những nghệ nhân tí hon. Ai cũng say mê tô tô, vẽ vẽ những sản phẩm của riêng mình. Những nét vẽ trong sáng, ngây thơ in mình trên cốc không khỏi khiến các bác nghệ nhân ngạc nhiên, thích thú.
Kết thúc chuyến tham quan, dù bàn tay bạn nhỏ nào cũng lấm lem vì đất, nhưng các bạn nhỏ vẫn vô cùng thích thú bởi trải nghiệm có 1-0-2 tại làng gốm Bát Tràng và mong muốn có cơ hội được đến đây lần nữa để thử làm gốm cùng ba mẹ, cô và các bạn.
Chuyến tham quan trải nghiệm ngoại khóa của trường Tiểu học Vĩnh Phong – Tiền Phong thành công tốt đẹp. Với những hoạt động như viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tham quan khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tham quan trải nghiệm tại làng gốm Bát Tràng, chương trình là một điểm nhấn trong các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục giá trị sống của nhà trường trong năm học 2022 - 2023 này./.